Không có du khách nào đến thăm Nhật Bản lại có thể bỏ qua đô thị phồn hoa Tokyo. Tokyo, hay Đông Kinh là thành phố của những trải nghiệm tuyệt vời, những bất ngờ háo hức, những món ăn tuyệt hảo, những tiện nghi thượng hạng, và vì thế luôn là điểm đến mơ ước của bao người. Một trong những thú vui mà bất cứ ai cũng nên nếm trải ở chốn kinh đô này chính là mua sắm. Bạn luôn có thể tìm được những món quà lưu niệm độc đáo cho người thân, bạn bè hay một món đồ xa xỉ tự thưởng cho chính mình trong lúc để bản thân mê mải lạc lối giữa những đại lộ mênh mông hay trong những ngõ ngách nhỏ hẹp ở Tokyo. Niềm vui thích lạ lùng ấy sẽ khiến bạn rất đỗi yêu mến thành phố này. Hãy cùng Kilala ghé qua một số trung tâm mua sắm trọng yếu ở Shinjuku, Shibuya và các địa điểm thú vị ở Tokyo.
Shinjuku là khu vực nào?
Là trạm dừng lớn nhất ở Nhật với hơn 3,5 triệu lượt khách đổi tuyến mỗi ngày. Là biệt khu thú vị mà cả những nhân viên văn phòng tinh tươm trong bộ vest, những người trẻ ăn vận lịch lãm, những ông bà cụ trên đường mua sắm trở về, những du khách ngoại quốc,… vì nhiều mục đích chẳng hẹn mà hợp lại nơi đây. Những dãy nhà chọc trời vươn cao sừng sững, phố xá sặc sỡ bởi những bảng quảng cáo đầy sắc màu, từng dòng người lũ lượt cuộn vào nhau,… tạo nên quang cảnh náo nhiệt đậm chất “Tokyo” khiến bạn phải choáng ngợp. Khắp nơi mọc lên hằng hà trung tâm bách hóa lộng lẫy, những con phố dưới lòng đất lại được vô số cửa tiệm lấp đầy. Shinjuku có nhiều điểm đến hấp dẫn đến mức dù bạn có dành ra bao nhiêu thời gian ở đây, cũng chẳng bao giờ là đủ. Hãy xem chi tiết gợi ý mua sắm tại Shinjuku của Kilala ở đây nhé!
Shibuya là khu vực nào?
Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo nổi tiếng là phức tạp, nhưng khó nắm bắt nhất có lẽ là ga Shibuya với vô số tuyến tàu chằng chịt như mê cung. Tuy vậy, cảm giác nhìn “đắm đuối” vào tấm bản đồ ở nhà ga để tìm kiếm điểm đến lại đầy thú vị và háo hức như đang tham gia một cuộc phiêu lưu vậy. Nhất định phải băng qua giao lộ Shibuya nổi tiếng đông đúc đến bất ngờ nhé! Trên đường phố, khắp nơi là các địa điểm mua sắm đầy phong cách, từ những cửa hàng hướng có đối tượng là giới trẻ đến những cửa hàng hướng đến người trưởng thành hơn, khiến bạn không thể nào dừng thú vui mua sắm của mình. Hãy ra về với những món đồ mới mẻ và thịnh hành nhất Nhật Bản hiện nay nhé! Hãy xem chi tiết gợi ý mua sắm tại Shibuya của Kilala ở đây nhé!
Nhật Bản còn có những cửa hàng này!
Cửa hàng đồ cũ
Cũng giống như những nước khác trên thế giới, tại Nhật Bản cũng có nhiều cửa hàng chuyên thu mua và buôn bán hàng đã qua sử dụng, trong đó nổi tiếng nhất là chuỗi cửa hàng sách cũ BOOK OFF. Đặc điểm thu hút của cửa hàng này là các dãy sách cũ được trưng bày và phân loại rất bài bản, thậm chí những quyển sách còn được vát cạnh lại và in giá lên để trông như mới. Chủng loại sách được nhiều người tìm mua nhất tại BOOK OFF tất nhiên là Manga. Ngoài sách và tạp chí, BOOK OFF còn mua bán các loại đĩa CD, VCD, thiết bị số, trang phục, đồ dùng, thậm chí là cả nữ trang và đồ nội thất. Tùy theo từng cửa hàng và thời điểm mà sản phẩm được bày bán cũng khác nhau. “Không thể biết trước mình sẽ mua được món gì nếu chưa bước vào” chính là lí do khiến rất nhiều người tìm đến BOOK OFF thường xuyên!
♥ www.bookoff.co.jp/en/ (tiếng Anh, Nhật)
Cửa hàng dược phẩm (Drugstore)
Đặc điểm chung của du khách nước ngoài khi đến Nhật chính là thời gian dành cho mua sắm rất eo hẹp, khiến cho nhu cầu “chỉ cần đến một nơi cũng có thể mua đủ” trở nên mạnh mẽ. Những năm gần đây, khi các nước lân cận như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam rộ lên xu hướng sử dụng hàng Nhật thì các mặt hàng chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cũng được chú ý nhiều hơn. Từ đó, các cửa hàng dược phẩm quy mô nhỏ như Matsumoto Kiyoshi hay Sun Drug, nơi chỉ chuyên bày bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm y tế thông thường như cao dán, thuốc xoa bóp, thuốc nhỏ mắt trở thành những địa điểm mua sắm lý tưởng. Tại các thành phố lớn, bạn có thể tìm thấy Drugstore rất dễ dàng. Điều hấp dẫn khác của Drugstore chính là giá rẻ và miễn thuế. Vì vậy, hình ảnh các cửa hàng Drugstore hết sạch các sản phẩm thịnh hành như Collagen, thực phẩm chức năng, kem chống nắng, v.v… sau mùa du lịch cao điểm cũng không có gì lạ.
♥ Matsumoto Kiyoshi: www.matsukiyo.co.jp (tiếng Nhật)
♥ Sun Drug: www.sundrug.co.jp (tiếng Nhật)
Trung tâm điện máy
Bic Camera, Yamada Denki và Yodobashi Camera là một số trung tâm điện máy đình đám tại Nhật Bản. Không chỉ tập trung vào hàng điện tử, Yodobashi và Bic Camera còn kinh doanh cả mỹ phẩm, rượu, quà tặng và nhiều mặt hàng khác. Đối với du khách nước ngoài, Bic Camera là thương hiệu quen thuộc hơn bởi hãng có chi nhánh ở hầu hết các ga xe điện lớn tại Tokyo. Ngoài cửa hàng chính tại Ikebukuro, Bic Camera còn kết hợp với thương hiệu thời trang Uniqlo để cho ra đời khu mua sắm phức hợp Bicqlo tại Shinjuku, với 6 tầng và 3 tầng hầm, là nơi mua sắm rất thuận tiện.
Khu vực mua sắm tại các nhà ga
Nhà ga Tokyo (Ảnh: )
Ngoài các trung tâm mua sắm trên mặt đất, Tokyo còn có rất nhiều địa điểm mua sắm “ẩn mình” bên trong các ga xe điện hoặc tọa lạc bên dưới mặt đất như Toyoko Norengai, ga Shibuya; Subnade, ga Shinjuku; Yaechika, ga Tokyo; Echika, ga Ikebukuro và Omotesando. Được nhiều người biết đến nhất phải kể đến Yaechika ở ga Tokyo, nơi tập trung khoảng 180 cửa hàng lớn nhỏ, 60 nhà hàng – cà phê với nhiều khu vực thú vị như Okashi Land – thế giới các loại bánh kẹo nổi tiếng Nhật Bản và Character Street – nơi tập trung các cửa hàng lưu niệm của những nhân vật giả tưởng Nhật Bản được yêu thích hàng đầu như Hello Kitty, One Piece hay Domo-kun,…
Những địa điểm mua sắm thú vị khác tại Tokyo
Quận Asakusa (Biệt khu Taito)
Nằm ở trung tâm của “Shitamachi” – khu vực được xem là ngoại ô trong thời kì Edo, Asakusa hiện là nơi duy nhất tại Tokyo vẫn còn lưu giữ được không khí trầm mặc và cổ kính của một Đông Kinh thời xưa cũ. Địa điểm tham quan nổi tiếng nhất ở đây là ngôi chùa cổ nhất Tokyo, Asakusa Kannon (hay còn gọi là Senso-ji) và con đường mua sắm Nakamise nối liền cổng Kaminari-mon với khuôn viên chính của chùa. Tuy chỉ kéo dài vỏn vẹn 250m, Nakamise tập trung hơn 50 cửa hàng, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng lưu niệm truyền thống Nhật Bản như guốc gỗ Geta, Yukata, mặt nạ cổ, hay các loại móc khóa, đồ trưng bày hình Geisha, Ninja,… Đến đây, đừng quên món bánh gạo nướng tại chỗ thơm lừng và các loại kem tươi đủ vị nhé!
Đi đến khoảng giữa đường Nakamise, bạn sẽ thấy một con đường khác cắt ngang, dẫn vào khu mua sắm cũng sầm uất không kém, chính là Shinnakamise (còn gọi là Shin-naka). Với 5 dãy nhà liền kề nhau và dài tổng cộng 380m, Shin-nakamise không chỉ tập trung nhiều mặt hàng truyền thống Nhật Bản mà còn có hàng quán ẩm thực chất lượng, từ các món ăn đường phố cho tới nhà hàng sang trọng.
Nếu ưa chuộng các mặt hàng lưu niệm độc đáo, bạn có thể ghé qua phố Kappabashi nằm giữa Asakusa và Ueno. Đây là khu vực chuyên buôn bán sản phẩm dành cho nhà hàng, từ bàn ghế, chén đĩa, cho tới bảng hiệu, đồ trang trí và nổi tiếng nhất là thức ăn giả bằng nhựa dẻo. Bên cạnh các sản phẩm cỡ lớn chuyên dùng cho nhà hàng, bạn có thể tìm thấy các loại móc khóa, nam châm trang trí hoặc bộ sản phẩm tự làm mô phỏng các loại món ăn Nhật Bản trông giống y như thật.
Biệt khu Sumida
Ngoài tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới TOKYO SKYTREE, Sumida còn có khu phức hợp TOKYO SKYTREE Town với trung tâm mua sắm Tokyo Solamachi, rạp chiếu phim, thủy cung,… luôn tấp nập du khách vào dịp cuối tuần. Một số cửa hàng độc đáo mà bạn có thể tìm thấy tại Tokyo Solamachi là Tokyo Shitamachi toys & crafts Gacchara-ya – cửa hàng quà lưu niệm truyền thống Nhật Bản với bộ sưu tập mèo cầu may Maneki-neko khổng lồ; cửa hàng Mamegui độc đáo với mô hình quà tặng được gói bằng khăn Tenugui truyền thống; hay cửa hàng về nghệ thuật kẹo đường đình đám Asakusa Amezaiku Ameshin. Đặc biệt, cửa hàng Donguri Kyowakoku với hình nộm Totoro khổng lồ ngay tại cửa vào, nơi bày bán hàng trăm chủng loại quà lưu niệm của hãng hoạt hình Nhật Bản Studio Ghibli như thú nhồi bông, móc khóa, sách ảnh, băng đĩa,… chắc chắn sẽ khiến các fan hâm mộ òa lên sung sướng!
Quận Ginza (Biệt khu Chuo)
Là một quận thuộc biệt khu Chuo, Ginza được biết đến như một khu vực của giới thượng lưu không chỉ ở Tokyo mà còn trên toàn Nhật Bản với vô số các cửa hàng bách hóa xa xỉ, những nhà hàng sang trọng và các tụ điểm ăn chơi đắt đỏ. Vào các buổi chiều cuối tuần, khi con đường mua sắm nổi tiếng Chuo-dori được rào lại để ngăn các phương tiện giao thông di chuyển vào bên trong, bạn sẽ thấy các tín đồ shopping qua lại như mắc cửi, chen chúc ra vào các trung tâm mua sắm nổi tiếng như Ginza Wako, Mitsukoshi hay Matsuya.
Để mua sắm ở Ginza, ngoài túi tiền rủng rỉnh, bạn còn cần phải tìm hiểu mặt hàng kinh doanh của các cửa hàng mua sắm lớn nhỏ tại đây để tránh việc tiêu tốn thời gian tìm đường. Nếu là người yêu thích trang sức và các món đồ hiệu thời thượng, Ginza Wako là nơi dành cho bạn. Tokyu Plaza Ginza thu hút nhiều khách du lịch bởi mặt hàng phong phú và có 2 tầng dành riêng cho hàng miễn thuế. Nếu là tín đồ của hàng điện tử, hãy ghé qua Sony Building, nơi trưng bày các sản phẩm mới nhất của hãng Sony lừng danh.
Tuy nhiên, dù không phải là “đại gia”, bạn vẫn có thể thỏa mãn thú vui shopping của mình tại Ginza trong các cửa hàng “bình dân” hơn như cửa hàng thời trang của GU, Uniqlo, Forever21, cửa hàng văn phòng phẩm từ giấy Washi truyền thống Nhật Bản Kyukyodo hay tự mình “sản xuất” những viên kẹo Chocolate mang dấu ấn cá nhân tại cửa hàng Yr.Style.
Quận Akihabara (Biệt khu Chiyoda)
Là “miền đất hứa” của các Otaku, Akihabara nổi tiếng với các cửa hàng và loại hình giải trí dành riêng cho cộng đồng này như quán cà phê nàng hầu – Maids Cafe, nơi các nữ nhân viên phục vụ xuất hiện trong bộ trang phục hầu gái và chăm sóc bạn như người chủ của mình; hay Super Potato, thiên đường của các loại video game, nơi bạn có thể tìm thấy các thiết bị chơi game và các đĩa trò chơi ở mọi chủng loại, từ mới nhất cho đến các mặt hàng cũ được bán với giá hời; hay Mandarake, nơi được mệnh danh là “cửa hàng Anime và Manga lớn nhất thế giới”.
Bên cạnh đó, Akihabara còn được xem là “thánh địa” của hàng điện tử với hàng trăm cửa hàng san sát nhau, từ những cửa tiệm khổng lồ như Sofmap, Laox, Yamada Denki hay Yodobashi Camera, cho đến các cửa hàng nhỏ bé mà bạn không thể biết chúng bán sản phẩm gì một khi chưa bước vào. Một điều nên lưu ý khi mua sắm tại Akihabara là một số sản phẩm được sản xuất chỉ dành riêng cho thị trường Nhật, từ phích cắm cho đến điện áp hoặc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, nếu chịu khó đi mày mò, bạn có thể kiếm được các món hàng điện tử độc đáo, như một chiếc điện thoại Nhật đã được cài đặt sử dụng được cả ở nước ngoài, những chiếc iPhone phiên bản quốc tế đã qua sử dụng được bán với giá không thể rẻ hơn hay linh kiện điện tử của những món đồ từ mấy mươi năm về trước mà nay đã trở nên khan hiếm.
Hướng dẫn giao thông ở đại đô thị Tokyo
Tàu điện và tàu điện ngầm
Nếu muốn khám phá phố phường Tokyo, trước tiên hãy thử sử dụng tàu điện. Dù Tokyo chỉ có 23 biệt khu nhưng lại có trên 60 làn tàu điện. Để có thể sử dụng tàu điện tại đô thị nổi tiếng là có mạng lưới đường sắt phức tạp này, bạn cần phải có một chút kinh nghiệm. Tuy nhiên nếu đã quen thuộc, bạn sẽ thấy phương tiện này rất tiện lợi. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của ứng dụng điện thoại để “đương đầu” với thử thách này nhé!
Các loại tàu điện chủ đạo
JR
Là công ty đường sắt lớn nhất Nhật Bản và cũng là doanh nghiệp điều hành tàu cao tốc Shinkansen nối liền các đô thị lớn với nhau. Nắm giữ phần lớn các đường tàu điện tại Tokyo, JR là tuyến tàu chủ đạo của đô thị này.
Tàu điện ngầm
Với mạng lưới đan xen phức tạp dưới lòng đất, tàu điện ngầm là phương tiện bạn nên trải nghiệm để di chuyển trong nội thành. Có 2 hãng tàu điện ngầm ở Tokyo là “Tokyo Metro” và “Toei” – được điều hành bởi thủ đô Tokyo, do đó bạn nên chú ý khi chuyển đổi tàu.
Shitetsu
Cũng giống như JR, “Shitetsu” là công ty đường sắt tư nhân hàng đầu tại Nhật, điều hành các tuyến như Odakyu hay Seibu. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp Shitetsu ở các tuyến tàu từ nội thành ra ngoại ô.
Một số loại vé tàu ưu đãi và tiện lợi!
JAPAN RAIL PASS
Áp dụng cho tất cả các tuyến JR trên toàn quốc, kể cả Shinkansen và tàu nhanh Tokkyu, đây là loại vé vô cùng tiện lợi dành cho những du khách muốn vi vu Nhật Bản dài ngày. Bạn có thể lựa chọn gói 7 ngày, 14 ngày hoặc 21 ngày. Chỉ cần mua phiếu Exchange Order tại các đại lý du lịch trước khi khởi hành và đổi thành vé chính thức khi đến Nhật là bạn đã có thể sử dụng được ngay!
www.japanrailpass.net/en/index.html (tiếng Anh)
※ Không áp dụng đối với một số tuyến đặc biệt
Vé điện tử IC Card
Không cần phải mất công mua vé mỗi lần đi tàu, chỉ cần nạp tiền vào thẻ và đặt lên ô chuyên dụng tại các cổng soát vé, hệ thống sẽ tự động trừ tiền của bạn. Việc di chuyển vì thế mà trở nên đơn giản hơn! (Cần đặt cọc 500 yên tiền thẻ).
Loại vé Free Kippu
Ở Tokyo có rất nhiều loại vé “Free Kippu” (còn gọi là “Norihodai Kippu”, tức “đi tàu thỏa thích”). Hãy sử dụng các loại vé này để tham quan trọn vẹn Tokyo nhé!
▶ Tokyo Free Kippu
Giá vé: 1.590 yên/người lớn, 800 yên/trẻ em. Cho phép bạn sử dụng một số tuyến xe điện và xe buýt trọng yếu ở Tokyo không giới hạn trong vòng 1 ngày.
▶ Common One-day Ticket for Tokyo Metro & Toei Subway
Giá vé: 1.000 yên/người lớn, 500 yên/trẻ em. Cho phép bạn sử dụng các tuyến tàu điện ngầm ở Tokyo không giới hạn trong vòng 1 ngày.
Xe buýt
Hệ thống xe buýt tại Tokyo hoạt động cũng khá nhộn nhịp, tuy nhiên không thuận tiện bằng xe điện. Do đó, thay vì lựa chọn xe buýt như một phương tiện di chuyển, bạn nên thử tham gia một tour du lịch bằng xe buýt, như tour “Hato bus” hay “SKY BUS TOKYO”. Các tour này sẽ dắt bạn đến một số địa danh nổi tiếng ở Tokyo đấy!
Taxi
Phí taxi ở Tokyo khá đắt đỏ (730 yên – khoảng 150.000VND – cho 2km đầu tiên). Tuy nhiên, nếu đang vội hoặc mang nhiều hành lí thì taxi là lựa chọn thích hợp. Bạn có thể đón taxi tại khu vực cố định trước nhà ga hoặc bắt taxi ngay trên đường. Để đến đúng nơi, bạn cần cho tài xế biết tên tòa nhà, tên đường hoặc địa danh nổi tiếng gần đó nhé!
Mayu Senda, Lê Mai/ kilala.vn