Rosie Nguyễn: Kinh nghiệm xin Visa tự túc du lịch Nhật Bản

    Theo mình thấy Nhật Bản là một trong những đất nước dễ thương "nhất trái đất" khi nói tới việc cấp visa. Vì các lý do sau:

    @ Visa đi Nhật Bản có một điểm lợi là khi nào được cấp visa thì ĐSQ/LSQ mới thu phí, và phí cấp visa cũng khá rẻ, chỉ vài trăm nghìn. Chả bù cho các nước phát triển khác phí tới vài trăm đô mà nộp hồ sơ là thu phí luôn, chả cần biết đậu hay rớt.

    @ Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản không cần dịch thuật công chứng sang tiếng Anh.

    Nói chung, khi xin visa du lịch tự túc, điều mà bạn cần chứng minh cho cơ quan cấp visa là:

    + Bạn có đủ tiền trang trải cho chuyến đi.
    + Bạn có công việc làm ổn định, có tài sản và trách nhiệm tại Việt Nam.
    + Bạn không có ý định trốn ở lại đất nước đó.
    + Bạn hiểu rõ mình sẽ làm gì đi đâu và chủ động sắp xếp chuyến đi.

    Với mục đích như vậy, những chứng từ nào bạn nghĩ có thể giúp bạn chứng minh được các điểm trên thì có thể cho vào hồ sơ xin visa. Và mỗi bộ hồ sơ sẽ có những điểm khác nhau tùy vào chủ nhân của nó ra sao.

    Tác giả Rosie Nguyễn du lịch tại Nhật Bản.

    Theo kinh nghiệm của mình, nên tiến hành các bước xin visa sau:

    Bước 1: Vào trang web của Đại sứ quán/ Lãnh sự quán của Nhật Bản tại Việt Nam xem hướng dẫn và lấy mẫu đơn: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/visa/dulich_v.htm

    Bước 2: Tham khảo thêm trên các trang web/diễn đàn về du lịch bụi về các bộ hồ sơ khác. Vì một số chứng từ trên website của Đại sứ quán hay Lãnh sự có thể hơi chung chung và mơ hồ.

    Bước 3: Lập danh sách hồ sơ và chuẩn bị hồ sơ (nhớ để ý kỹ chứng từ nào cần bản gốc, chứng từ nào cần sao y bản chính, chứng từ nào cần đem bản gốc theo để đối chiếu.

    Sau khi tham khảo các nơi, mình đã chuẩn bị hồ sơ như sau (chia theo nhóm để dễ theo dõi):

    1/ Chứng từ cá nhân:

    - Ảnh 4.5cm x 4.5cm
    - Hộ chiếu bản chính
    - Đơn xin visa bản chính
    - Hộ khẩu thường trú bản sao
    - Giấy khai sinh bản sao

    2/ Chứng từ chứng minh công việc:

    - Hợp đồng lao động bản sao (kèm bản gốc để đối chiếu)
    (Nếu mức lương hiện tại đã được điều chỉnh so với hợp đồng lao động thì kèm thêm giấy tờ chứng minh mức lương hiện tại, như thông báo tăng lương chẳng hạn)
    - Giấy phép kinh doanh bản sao công chứng của công ty (nếu là chủ doanh nghiệp)
    - Đơn xin nghỉ phép đi du lịch bản chính có chữ ký của sếp và đóng dấu công ty
    - Giấy ủy quyền chữ ký của công ty (nếu các chứng từ do công ty cấp không phải do Tổng Giám Đốc ký)
    - Bảo hiểm y tế bản sao (kèm bản chính để đối chiếu)
    - Bảo hiểm xã hội bản sao (kèm bản chính để đối chiếu)

    3/ Chứng từ chứng minh thu nhập:

    - Sao kê tài khoản ngân hàng trong 3 tháng gần nhất bản chính (để chứng minh thu nhập/tiền lương hàng tháng).
    - Sổ tiết kiệm bản sao (kèm bản gốc để đối chiếu). Số dư tối thiểu nên là 100 triệu VND, nhưng dĩ nhiên càng nhiều càng tốt.
    - Xác nhận số dư tiền gửi tiết kiệm bản chính.

    (Nếu bạn có đứng tên tài sản nào có giá trị như nhà/đất thì có thể kèm vào sổ đỏ/sổ hồng trong hồ sơ)
    (Nếu bạn không có đủ chứng từ chứng minh thu nhập thì cần được bảo lãnh từ phía người mời bên Nhật. Hãy bảo đảm là người mời đủ thân thiết để không làm phiền họ vì chứng từ bảo lãnh khá phức tạp)

    4/ Chứng từ chứng minh quan hệ với người mời:

    Một điểm đau đầu của việc xin visa du lịch tự túc Nhật Bản là thư mời. Ngày xưa hầu như không có thư mời là không có visa, nhưng hiện tại việc xin visa du lịch Nhật cũng không còn quá khắt khe nữa. Mình thấy có những hồ sơ vững thì vẫn được cấp visa dù không có thư mời. Tuy vậy, dĩ nhiên có thư mời từ bên kia gửi về thì khả năng được cấp visa sẽ cao hơn.
    - Giấy lý do mời bản chính (có đóng dấu của người mời ở Nhật)
    - Hộ chiếu của người mời bản sao tất cả các trang
    - Thẻ cư trú của người mời bản sao (nếu không phải là người Nhật)
    - Giấy tờ chứng minh quan hệ với người mời (hãy in các đoạn chat/email/fax/ảnh chụp chung… với người mời và để vào hồ sơ).

    5/ Chứng từ chứng minh thời gian chuyến đi:

    - Chương trình lưu trú ở Nhật bản chính (có đóng dấu của người mời ở Nhật). Chương trình lưu trú này bạn nên tự làm, vừa để tìm kiếm thông tin, vừa để nắm rõ là bạn muốn đi đâu. Làm xong thì email qua cho người mời để họ đóng dấu (ở Nhật mỗi người có con dấu riêng để thay chữ ký) và gửi bản chính về Việt Nam qua đường bưu điện chung với giấy lý do mờ, hộ chiếu và thẻ cư trú của họ.

    - Vé máy bay khứ hồi bản sao (nếu có)
    - Thông tin đặt phòng khách sạn bản sao (nếu có)
    - Bảo hiểm du lịch bản sao

    Bước 4: Kiểm tra lại bộ hồ sơ và đem đi nộp.

    BÍ KÍP: Nên xem lại checklist hồ sơ để kiểm tra trước khi nộp để không bị sót. Mình đã tổng kết toàn bộ hồ sơ trong đây, bạn có thể tham khảo: http://bit.ly/2r9kpHA

    Một lưu ý nhỏ là nếu bạn định đi du lịch tự túc thì nên nộp trực tiếp. Kinh nghiệm của mình là Nhật Bản khuyến khích người xin visa tự nộp hồ sơ chứ không thông qua công ty du lịch, nộp qua công ty du lịch vừa mất thêm phí dịch vụ mà cũng không bảo đảm là sẽ đậu.

    Chúc các bạn thành công!

    Rosie Nguyễn/ kilala.vn

    04/01/2018

    Bài: Rosie Nguyễn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!