Trải nghiệm đi Nhật ăn cua!

    Chiếc càng cua dài ngoẵng, thịt đầy chặt, chao qua nồi lẩu đang nghi ngút khói rồi ngậm ngay vào miệng, chầm chậm cảm vị thịt béo ngậy lan toả trong vòm họng, từng miếng cắn nhẹ vào thớ thịt dai dai, cảm giác như đang tận hưởng cả tinh hoa của biển hội tụ trong món cua đầy hấp dẫn nơi đất Nhật. 

    Hokkaido, thiên đường cua

    Người Nhật gọi Hokkaido là thiên đường hải sản, riêng họ nhà cua với 3 giống gồm cua huỳnh đế (Tarabagani), cua tuyết (Zuwaigani) và cua lông (Kegani) đủ để… xưng vương trong thế giới hải sản nơi này. Ở vùng Sapporo, thủ phủ của Hokkaido, một trong những quán cua nổi tiếng nhất chính là Kani Goten trên con đường ven biển Route 36. Với người chưa gặp qua các giống của ở Hokkaido, Kani Goten sẽ đem lại nhiều bất ngờ bởi không thể hình dung cua ở đây lại to lớn đến vậy. Những chú cua độ 1 – 2kg chỉ xếp vào hàng… nhi đồng, bởi trọng lượng trung bình là lứa hàng khủng với 5 – 7kg, tuỳ vào số lượng người ăn, mức giá, nhân viên sẽ tư vấn cách lựa chọn cua cho phù hợp với bữa ăn được chuẩn bị liền ngay sau đó. 
    Cua hokkaido Nhật Bản

    Cua lông vừa đánh bắt trong ngày cập cảng cá Dezuka ở Mombetsu, Hokkaido. (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Cua ở Kani Goten có nhiều lối chế biến, nếu ăn cua tuyết, phần thịt nơi càng cua và các chi sẽ thành sashimi, sushi, thân cua mang thớ thịt mảnh đem nấu miso súp hoặc làm lẩu. Nếu là cua lông, ngoài ăn sống theo kiểu sashimi, món ngon phổ thông là lẩu hoặc hấp. Cua huỳnh đế có thêm món nướng. Lữ khách chuộng nhất ở Kani Goten là lẩu cua, với kỹ thuật tách vỏ, để lại bộ chân và các thớ thịt dài, bày biện khá bắt mắt. Nồi lẩu với phần nước giản đơn, không “trang điểm” cầu kỳ bằng các loại rau màu hay gia vị làm ngọt nước, chỉ cần nhúng trước các phần rời từ càng, mai cua, đủ cho một nồi lẩu ngọt lịm để tha hồ tận hưởng phong vị biển cả từ món cua hấp dẫn ở Kani Goten. 

    Không thể bỏ qua lẩu cua ở Mombetsu

    Từ Sapporo, ngược tiếp lên phương bắc của Hokkaido nơi vùng biển lạnh Okhotsk là Mombetsu, ngư trường lớn thứ 2 thế giới, với món cua được xem là biểu tượng của thành phố. Từ sáng mơ mỗi ngày, ở cảng cá Dezuka, cua từ các chuyến đánh bắt đêm đổ về nườm nượp, được phân loại ngay bến cảng và chuyển đi khắp Nhật Bản. Chiều xuống, món lẩu Kani Shabu sẽ là lựa chọn cần và đủ nếu muốn khám phá phong vị Mombetsu. 
    Cua Mombetsu
    Càng cua khổng lồ ở bờ biển Mombetsu cao hơn 12m, với trọng lượng 7 tấn mô phỏng kích thước phóng đại của càng cua tuyết, là biểu tượng của thành phố Mombetsu. (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Cua Mombetsu

    Món cua tuyết tươi sống dùng làm lẩu Shabu ở Mombetsu. (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Nồi lẩu cua ở Mombetsu với phần nước lẩu là ponzu – một thứ nước chấm lên men từ trái cây tự nhiên họ cam quýt như yuzu, daidai, kabosu, hay sadachi… có vị chua nhẹ, thanh mát. Miếng thịt cua được tách khéo léo, chừa lại phần vỏ để cầm nắm, khi nồi lẩu vừa sủi tăm, chỉ cần chao qua một lượt cho thịt cua săn lại, ngả trắng sữa ở phần ngoài, lớp thịt phía trong vẫn còn sống. Cắn miếng thịt dai dai, vị chua của nước lẩu lấn át trước, sau đó là những ngọt ngào, đằm thắm của thịt cua quyện lẫn gia vị ăn kèm như hành lá (negi), cải làn (hakusai), điểm phết chút mù tạt (wasabi) tươi. Những tinh hoa của món lẩu Kani Shabu sẽ giúp lữ khách hiểu ngay tại sao người Mombetsu chọn cua là biểu tượng riêng của thành phố. 

    Cua MombetsuCàng cua nhúng tái vào lẩu Shabu là món khoái khẩu của cư dân Mombetsu. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Cơm trộn cua thần thánh

    Theo dấu phong vị ẩm thực chế biến từ cua, hành trình tiếp tục đến thành phố Yonago nơi phương nam để khám phá món cơm trộn cua Kani Tori Don đặc biệt của ông chủ nhà hàng Nakaura là Yoshikawa. Món cơm này đã có từ hơn 25 năm, với thành phần gồm thố cơm trắng, thịt cua đánh nhuyễn, trứng cua – gạch cua trộn nước sốt, mực muối, trứng gà chín tái, củ cải trắng xay nhừ, rong biển, nước chấm Ponzu Shoyu (gồm nước dấm trộn lẫn với nước tương). 
    Cơm trộn cua
    Món cơm trộn thịt cua lông ngon thần sầu của nhà hàng Nakaura ở Yonago.  (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Cua TottoriGian hàng cua tuyết ở chợ hải sản Yonago.  (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Lẩu cua lông
    Món lẩu cua lông được chế biến bắt mắt ở Kani Goten. (Ảnh: Nguyễn Đình)
    Cơm trộn cua

    Món cơm trộn thịt cua đặc trưng của nhà hàng Sakyu Kailan, Tottori. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Ở Tottori, còn có một lối chế biến món cua thần sầu khác, chính là gạch cua nướng trên mai ở nhà hàng Jujuanh ngay trung tâm thành phố. Phần gạch cua lông được bóc tách cẩn thận, trộn đều và đổ ngược lại mai cua, sau đó đem nướng trên than hồng cùng các loại hải sản khác. Gia vị điểm vào lớp gạch cua là vài lát hành lá tạo mùi. Gạch vừa sôi là có thể dùng bằng cách ăn nguyên hoặc làm nước chấm hải sản. 

    Khi đã ăn xong phần gạch, người Tottori thường dùng một chén rượu sake đổ vào phần mai cua, tráng sạch lớp gạch cua bám trên đó, đặt lại trên than hồng nướng cho vỏ cua sém cạnh. Phần rượu sake khi ấy cũng đã đủ nóng để cùng nhau nâng mai cua chúc mừng.

    Gạch cua nướng

    Gạch cua nướng trứ danh. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Nguyễn Đình/ kilala.vn

    20/11/2017

    Bài, ảnh: Nguyễn Đình

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!