Meiji Jingu - Biểu tượng bất tử trong lòng Tokyo hiện đại

    Meji Jingu gắn liền với sự tưởng nhớ đến Thiên hoàng Minh Trị-Meiji, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử với những cải cách mang tên Minh Trị Duy Tân.

    Vậy là tôi đã có dịp đến Shibuya trong những ngày cuối năm 2015. Quả thực nơi đây không hổ danh là một trong những khu thương mại sầm uất nhất của Tokyo. Có thể nói, nếu ai đó muốn trải nghiệm cảm giác sôi động, náo nhiệt của một xã hội hiện đại tại Nhật Bản thì sẽ không thể bỏ qua Shibuya. 

    Sau hàng giờ lang thang trong các cửa hàng thời trang và mỹ phẩm dọc hai bên đường, tôi muốn đến một nơi nào đó yên tĩnh và thanh bình một chút. Ngay lập tức cô bạn Noriko nói, vậy thì chúng ta đến đền Meiji nhé. Nếu ai đã đến đây thì cũng không nên bỏ qua cơ hội đến thăm đền Meiji. Sau bữa ăn trưa với món mì Udon yêu thích, tôi cùng Noriko đón chuyến tàu Yamanote đi đến ga Harajuku, từ đó đi bộ thêm vài phút là đến cổng phía Nam của Meiji Jingu, một trong những đền thờ Thần đạo nổi tiếng của Nhật Bản. Noriko cho biết, nếu muốn đi vào đền bằng cổng phía Bắc thì sẽ xuống tàu tại ga Yoyogi.

    Meiji Jingu – Thần cung Minh trị

    Meji Jingu gắn liền với sự tưởng nhớ đến Thiên hoàng Minh Trị - Meiji, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử với những cải cách mang tên Minh Trị Duy Tân. Ông lên ngôi Thiên hoàng năm 1867, lúc chỉ mới 15 tuổi và là vị Thiên hoàng thứ 122 của Hoàng gia. Vào thời điểm đó, chính ông là người có công lớn đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Năm 1920, tám năm sau khi Thiên hoàng qua đời, mặc dù ông được chôn cất tại Kyoto nhưng tại Tokyo, đền thờ Meiji đã được xây dựng để tưởng nhớ và tôn vinh ông như một vị thần trong tín ngưỡng Thần đạo. Hoàng hậu Shoken, người vợ của ông qua đời sau ông  hai năm cũng được thờ cúng ở đây. 

    Thần cung Minh trị

    Ảnh: PIXTA

    Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước qua cổng Thần đạo Torii là một cảm giác mát mẻ, thanh bình như lạc vào một thế giới khác. Bên ngoài là một Nhật Bản hiện đại, sôi động, náo nhiệt nhưng cách nơi đó không xa lại có một Nhật Bản xưa cũ, xanh ngát và yên bình đến bất ngờ.

    Khi chia sẻ cảm nhận thú vị này với Noriko, cô ấy cười bảo, là vì trong khuôn viên của Meiji Jingu có gần 170.000 cây xanh xuất xứ từ khắp nơi trên đất Nhật được gửi về để thể hiện sự tôn trọng và biết ơn dành cho Thiên hoàng Meiji và Hoàng hậu Shoken. Có hơn 100.000 người Nhật trẻ tuổi đã tham gia tình nguyện trong hoạt động trồng cây xanh ở khuôn viên này.  

    Tôi chợt nghĩ, đây chẳng phải đây là một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh bảo tồn văn hóa truyền thống của người Nhật hay sao. Bảo vệ di sản không chỉ là nằm ở các giải pháp được trình bày trên giấy mà quan trọng là việc thực thi nó như thế nào. Lòng tôn kính và biết ơn dành cho thế hệ trước đã được các thế hệ kế cận tiếp thu và thể hiện qua những hành động đầy ý nghĩa như việc trồng cây gây rừng như thế. 

    Meiji Jingu

    Ảnh: Katsuya Noguchi/PIXTA

    Tiếp tục quan sát xung quanh, tôi thấy không chỉ có du khách nước ngoài mà còn có rất nhiều người Nhật đến đây tham quan. Nhưng thời gian mà Meiji Jingu đón lượng khách đông đảo nhất là trong những ngày đầu năm mới, khi người Nhật thực hiện nghi thức Hatsumode, giống như phong tục đi xin lộc đầu năm ở đền thờ, chùa chiền của người Việt Nam.

    Cũng giống như bất cứ đền thờ Thần đạo trên khắp đất nước Nhật Bản, trước khi bước vào chính điện, du khách phải thực hiện lần lượt các nghi thức rửa tay và súc miệng theo tinh thần thanh tẩy thân tâm của Thần đạo tại giếng nhỏ Temizuya. Tôi để ý thấy Noriko cầm lấy gáo nước bằng tay phải, hứng nước từ trong bể, dùng nước đó để rửa tay trái trước rồi sau đó đến tay phải. Tiếp đến, cô cho nước vào lòng bàn tay trái và thực hiện động tác súc miệng. Cuối cùng, cô cẩn thận dựng gáo nước theo chiều thẳng đứng để nước còn sót lại trong gáo chảy ra hết bên ngoài trước khi úp nó lại vào vị trí ban đầu. Trong lúc cùng nhau đi đến chính điện, Noriko còn giải thích thêm cho tôi một số điểm quan trọng khi thực hiện nghi lễ chào tại đây. Chẳng hạn như trước khi cầu nguyện thì cúi chào 2 cái, vỗ tay 2 cái. Sau khi cầu nguyện xong thì lại cúi chào 1 cái nữa. Nếu muốn, khách có thể cho vài đồng xu vào thùng lễ vật Saisenbako trước khi cầu nguyện. Những đồng tiền lễ vật dâng lên thần linh này được tin rằng sẽ giúp con người giảm được phần nào những tội lỗi của mình. 

    Đám cưới theo nghi thức Thần đạo

    Đám cưới Thần đạo

    Ảnh: siraanamwong/123rf

    Trước khi bước vào chính điện,  tôi may mắn được chứng kiến một đám cưới Thần đạo ngay tại cổng của chính điện. Hiện nay, người Nhật có xu hướng tổ chức đám cưới theo phong cách phương Tây. Dù vậy, hàng năm vẫn có rất nhiều đám cưới truyền thống được tổ chức tại Meiji Jingu. Hoặc có nhiều người sẽ tổ chức đám cưới theo nghi thức Thần đạo trước khi tổ chức tiệc cưới hiện đại một ngày. 

    Nhìn cô dâu và chú rể trong các bộ trang phục cưới truyền thống di chuyển chậm rãi cùng với họ hàng hai bên, trong bầu không khí trang nghiêm đó, tôi cảm thấy thật bồi hồi xúc động. Quả thật, dẫu bên ngoài xã hội có phát triển với tốc độ nào đi nữa thì tại đây, trong ngôi đền Thần đạo này, nhịp sống vẫn rất chậm rãi. 

    Trải qua hàng trăm thế kỷ với vô số biến động của xã hội, tín ngưỡng Thần đạo và các đền thờ của nó vẫn là một chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống của người dân Nhật Bản. Tôi có cảm tưởng rằng, dẫu có thêm vài trăm năm nữa thì tại nơi đây, trong không gian xanh ngát và thiêng liêng này, tất cả những tinh hoa của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản vẫn sẽ không bao giờ bị phai mờ. Bởi lẽ, những nét đẹp đó được lưu giữ không chỉ bởi sự chăm sóc, bảo tồn bên ngoài mà được giữ gìn như một tài sản quý giá trong tâm trí của mỗi người dân. 

    Meiji Jingu

    Ảnh: iStock

    Tôi chợt ước, vào năm 2020 mình lại có dịp đến Tokyo để có thể tận hưởng không khí vui tươi náo nhiệt của Thế Vận hội Mùa hè cũng như đến lại Meiji Jingu để cùng người Nhật quay về với không khi linh thiêng của hàng trăm năm trước. Chắc chắn lúc đó tôi sẽ hòa chung với niềm vui của nước Nhật, niềm vui của một cường quốc kinh tế thế giới nhưng chưa bao giờ đánh mất những giá trị nội tại của dân tộc mình. 

    Kim Oanh/ kilala.vn

    01/04/2016

    Bài: Kim Oanh/ Ảnh: PIXTA, 123rf, iStock

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!