Miyagi, đóa hoa phục hưng nở rộ

    Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, lúc 14 giờ 46 phút giờ địa phương, trận động đất 9,0 độ Richter, được ghi nhận là có cường độ lớn nhất trong lịch sử nước Nhật, đã kéo theo những con sóng thần cao hơn 20m đổ ập vào vùng Đông Bắc Nhật Bản. Đây được xem là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại với số lượng thương vong lên đến hơn 15.000 người và khoảng 2.600 người vẫn còn mất tích (tính đến tháng 3/2015).

    Tỉnh Miyagi là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề nhất tính đến tháng 9/2016, đã có 10.553 người thiệt mạng, 1.235 người mất tích và 82.999 cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn. Sau 5 năm, những tưởng ở Miyagi chỉ có những tàn tích trơ trọi, im lìm trên những mảnh đất hiu quạnh không bóng người, thế nhưng, trong một chuyến đi thực tế đến vùng đất này, chứng kiến công cuộc phục hưng bừng bừng sức sống mạnh mẽ và tinh thần lạc quan đầy cảm phục của những người dân Miyagi đã khiến cho chúng tôi không khỏi bất ngờ, cảm động và nhìn nhận lại giá trị quan về cuộc sống của mình.

    tỉnh miyagi du lịch

    (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Chợ cá Shin-ishinomaki

    Là một địa phương nổi tiếng về ngành nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản, Miyagi có nhiều ngư trường rải rác dọc bờ biển. Khi thảm họa ập đến, các ngư trường đã hứng chịu cơn giận dữ kinh hoàng này, đặc biệt, chợ cá Ishinomaki tại TP. Ishinomaki là một trong những nơi gánh chịu tổn thất nặng nề nhất trước những cơn sóng thần cao hơn 8,3m. Khu chợ cá lâu đời với hơn 654m2 diện tích dành cho các hoạt động đánh bắt cá ngừ, đấu giá hải sản và các phiên chợ theo mùa nhộn nhịp đã hoàn toàn bị phá hủy.

    chợ cá shin ishinomaki

    Shin-ishinomaki nhộn nhịp ngày nay (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Vậy mà, chỉ sau 4 tháng, vào ngày 12/7/2011, chợ cá Ishinomaki đã đánh dấu hoạt động đánh bắt cá đầu tiên sau thảm họa kép. Đến tháng 9/2015, chợ cá Ishinomaki đã thực sự hồi sinh với quy mô lên đến 880m2, đổi tên thành “Shin-ishinomaki” và tự hào là chợ cá có quy mô lớn và tiên tiến bậc nhất tại Nhật Bản, có hẳn đội ngũ kiểm tra và quản lý chất lượng hải sản bằng thiết bị quét độ phóng xạ và phân tích mẫu sản phẩm vô cùng chuyên nghiệp. Vào mùa cao điểm, có khi nơi đây đánh bắt được hơn 54.000 tấn hải sản/ngày, trong đó chủ lực là cá Saba hiện được tiêu thụ trên cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó có Việt Nam. 

    chợ cá shin ishinomaki

    Những thùng cá Saba mỡ màng đang chờ các nhà buôn đấu giá (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Hiện nay, ngoài công việc quen thuộc, chợ cá Ishinomaki còn tổ chức các buổi tham quan hướng dẫn mà qua đó bạn sẽ được nghe câu chuyện về một khu chợ quật cường với những con người không đầu hàng trước số phận.

    Công ty chế biến hải sản Suenaga

    Được thành lập từ năm 1975, Suenaga ở TP. Ishinomaki là công ty chuyên đóng gói các loại hải sản như hàu, rong biển tươi hoàn toàn chưa qua bất kì công đoạn chế biến nào với phương châm mang đến cho khách hàng hương vị tươi ngon và trọn vẹn của thiên nhiên. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm thực phẩm sau thảm họa kép đã thôi thúc Suenaga dấn thân vào lĩnh vực sản xuất các loại hải sản đã qua chế biến, cho ra đời nhiều mặt hàng mới như hàu, sò điệp ướp muối, xông khói,. cũng như mở rộng thị trường kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. 

    công ty chế biến hải sản Suenaga

    Bên trong nhà máy Suenaga với dây chuyền sản xuất hiện đại, hợp vệ sinh

    Nhắc đến thảm họa kép, giám đốc công ty Suenaga chia sẻ: “Trước khi thảm họa xảy ra, công ty chúng tôi vốn dự định sẽ có một vài thay đổi cũng như cải tiến trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm nhưng chưa làm được. Sau khi sóng thần ập đến, gần như toàn bộ nhà máy đều bị thiệt hại nặng nề nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm rằng, chúng tôi sẽ không bắt đầu từ con số 0 mà với những dự định và hướng đi đã được vạch ra trước đây, chúng tôi sẽ gầy dựng lại một công ty mới vượt trội hơn. Ngoài ra, kể từ sau thảm họa, một số công ty chế biến thực phẩm khác đã cùng với Suenaga chung tay thành lập một hiệp hội riêng nhằm phấn đấu vực dậy ngành nghề này”. 

    công ty chế biến hải sản Suenaga

    Một trong những sản phẩm chủ lực từ xưa đến nay của công ty hàu tươi

    Nhà máy hiện nay có hệ thống bể sục chứa hàu hiện đại, hệ thống máy móc tiên tiến và quy trình kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, không những phong phú hơn về mặt sản phẩm mà còn mở hướng kinh doanh sang nước ngoài. Ngoài ra, Suenaga còn có hẳn một đội ngũ ngư dân chuyên nuôi trồng hải sản theo tiêu chuẩn của nhà máy. Năm 2016, công ty đã vinh dự nhận được bằng chứng nhận an toàn thực phẩm HACCP từ Hiệp hội Thủy sản Nhật Bản, xóa tan những nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn của hải sản ở tỉnh Miyagi.

    Fisherman Japan

    Ra đời vào tháng 7/2014, hiệp hội Fisherman Japan không chỉ được lập ra với mục đích gầy dựng lại nghề đánh bắt hải sản vùng Miyagi, đặc biệt là khu vực Minami Sanriku và Ishinomaki, mà còn nhằm xây dựng hình ảnh mới mẻ cho ngư dân tỉnh này. Trước đây, nghề đánh bắt cá tại Nhật Bản được gọi là nghề 3K: “Kitanai – dơ bẩn”, “Kitsui – vất vả” và “Kiken – nguy hiểm”, nhưng Fisherman Japan tâm niệm sẽ mang đến một hình ảnh “3K” mới, đó là “Kakkoii– bảnh, ngầu”, “Kasegeru – thu nhập ổn định” và “Kakushinteki – cách tân” thông qua những lớp học phổ cập kỹ thuật và phương pháp đánh bắt cá tiên tiến, trao đổi kinh nghiệm, phát triển mô hình buôn bán trực tiếp giữa ngư dân bản địa và các vựa hải sản. 

    hiệp hội Fisherman Japan

    Anh ngư dân trẻ Takahashi hướng dẫn du khách trải nghiệm đánh bắt và thưởng thức hải sản Miyagi

    Thành viên Fisherman Japan ngoài ngư dân sò điệp và hàu ở địa phương còn có nhiều bạn trẻ từ các ngành nghề ở những nơi khác, tất cả đều chung mục đích mang hải sản thơm ngon của Miyagi đến với thế giới. Kế hoạch của hội là số lượng thành viên sẽ đạt đến 1.000 người vào năm 2024. Hiện tại, Fisherman Japan đang nhập khẩu cá Saba định kì cho 3 nhà hàng Nhật Bản tại Hà Nội. Nhóm cũng tổ chức các buổi trải nghiệm đánh bắt cá tại vùng biển Minami Sanriku dành cho khách du lịch.

    làng chài Minami Sanriku

    Khung cảnh làng chài ở Minami Sanriku

    Công ty TNHH Saura

    Bắt nguồn từ phong tục chắt lọc tinh hoa lúa gạo của vùng Miyagi để ủ nên những giọt rượu Sake nồng ấm dâng lên các thần ở đền Shiogama, xưởng rượu của công ty Saura đã hình thành. Kể từ năm 1724 đến nay, nghề nấu Sake ấy đã truyền đến đời thứ 13 của dòng họ Saura, qua 292 năm tồn tại. Trận động đất lịch sử 11/03/2011 đã tàn phá khoảng 200 lò Sake, công ty TNHH Saura cũng nằm trong số đó với hơn 300.000 chai Sake bị bể vỡ. 

    công ty rượu Sake Saura

    Bên trong nhà ủ rượu lâu đời từ thế kỉ 19

    Thật may là các kiến trúc cổ từ thế kỷ 19 của Saura vẫn nguyên vẹn nhờ kết cấu vững chắc của hệ cột chịu lực. Việc sản xuất Sake tại Saura nhanh chóng được phục hồi, và một phần doanh thu được gửi tặng lại cộng đồng ở Shiogama với lý do: “Chúng tôi muốn vực dậy nghề đánh bắt cá của vùng, và giúp phát triển nét văn hoá ẩm thực, bởi khi ẩm thực phát triển, nghề làm Sake cũng sẽ phát triển theo”. 

    công ty rượu Sake Saura

    Biên tập viên Kilala tìm hiểu về một số loại Sake truyền thống tại cửa hàng ngay cạnh xưởng rượu

    Người hướng dẫn đưa chúng tôi đến từng thùng ủ rượu thơm lựng mùi nếp đang dậy men, giới thiệu về những dòng sản phẩm Honjozo, Genshu, Junmai,. từng đạt được hàng loạt huy chương về chất lượng ở Nhật, Mỹ. Trong ngôi nhà cổ xưa của công ty Saura, chúng tôi được nếm thử chút Sake ấm nồng có hương vị quyến rũ, để thấy như mình quên cả thời gian.

    Lê Mai, Nguyễn Đình/ kilala.vn

    Sân bay Sendai tại thành phố Natori tỉnh Miyagi là sân bay duy nhất ở vùng trung tâm phía Đông Nhật Bản, là trạm dừng quen thuộc cho những du khách muốn lên phía Bắc hay trở về thủ đô với 2 chuyến bay của hãng ANA và hơn 80 chuyến Shinkansen đến Tokyo mỗi ngày. Tra cứu chuyến bay tại:

    www.sendai-airport.co.jp/en/

    06/01/2017

    Bài: Lê Mai, Nguyễn Đình/ Ảnh: Nguyễn Đình
    Hợp tác: Tỉnh Miyagi, Cty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Sông Hàn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!