Yakushima - Hòn đảo của những sự sống cổ đại

    Bạn đã xem bộ phim hoạt hình “Mononoke Hime” chưa? Đây là bộ phim hoạt hình Nhật Bản rất nổi tiếng, một trong những tác phẩm đại diện cho Ghibli với nội dung khắc họa cuộc chiến giữa nhân loại và thiên nhiên hùng vĩ. Bối cảnh trong phim được cho là lấy cảm hứng từ những cánh rừng bạt ngàn trên hòn đảo Yakushima.
    rừng Yakushima
    Khe núi Shitatani Unsuikyo được gọi là “Khu rừng của Công chúa Mononoke”, nơi rong rêu sinh trưởng vô cùng mạnh mẽ (Ảnh: PIXTA)

    Nằm cách mũi Sata của tỉnh Kagoshima, vùng Kyushu khoảng 60km về phía Nam. Yakushima là hòn đảo với gần 90% diện tích được bao phủ bởi rừng rậm. Dân số hiện tại của hòn đảo là khoảng 13.000 người. Năm 1993, đảo Yakushima được ghi nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới đầu tiên của Nhật Bản, cùng với khu vực rừng nguyên sinh Shirakami Sanchi trải dài từ tỉnh Aomori đến tỉnh Akita. Vùng đất trở thành Di sản chiếm 21% diện tích hòn đảo, khoảng 107,47km2.  Nét đẹp thiên nhiên phi thường được dệt nên bởi những động thực vật nguyên sơ cùng hệ sinh thái quý báu chính là yếu tố quyết định hòn đảo trở thành Di sản thế giới. 

    Những cây tuyết tùng sinh trưởng rải rác khắp hòn đảo được xem là biểu tượng của đảo Yakushima. Tuổi thọ phổ biến của loài tuyết tùng thường là 200 đến 500 năm, trong khi đó, những cây tuyết tùng của đảo Yakushima vẫn không ngừng sinh trưởng dù đã tồn tại cả ngàn năm nay. Thậm chí có cây đã vượt qua 1.000 tuổi và được gọi là “Yaku-sugi”, tức “Tuyết tùng Yaku”. Lý do của sự trường thọ này là do lượng mưa ở vùng núi lên tới hơn 8.000mm/năm, cao gấp 4 lần so với Sài Gòn. Nhờ mưa nhiều, độ ẩm cao, nên những cây tuyết tùng ở đây tích tụ được lượng nhựa nhiều gấp 6 lần so với thông thường. Nhờ vậy mà cây khó bị ăn mòn và có thể tồn tại lâu dài. Một lý do khác nữa là do thổ nhưỡng của hòn đảo Yakushima. Đá Granite nghèo dinh dưỡng chiếm chủ yếu khiến cây cối sinh trưởng chậm chạp nhưng nhờ đó lại trở nên mạnh mẽ, đầy sức sống, có vân gỗ khít, mật độ cao.

    cây Jomon-sugi

    Cây Jomon-sugi có chiều cao 25m và chu vi lên đến 16m (Ảnh: SAORIGRAPH/PIXTA)

    Trong những cây tuyết tùng của đảo Yakushima, cây to lớn nhất là Jomon-sugi có chiều cao 25m và chu vi 16m. Cây được gắn tên Jomon là vì đã tồn tại từ thời đại Jomon, cách đây 15.000 - 2.300 năm Trước Công nguyên. Tuy không thể ước tính tuổi cây một cách chính xác nhưng các chuyên gia xác nhận rằng cây đã tồn tại hơn 2.000 năm. Để đến được vị trí của Jomon-sugi, bạn sẽ cần khoảng 10 giờ đồng hồ cho cả đi lẫn về vượt qua đoạn đường dài 22km. Hành trình không hề dễ dàng nhưng vẫn thu hút nhiều khách du lịch bởi sự linh thiêng thần bí nơi đây. Hiện tại, vì lý do bảo vệ môi trường nên du khách sẽ không thể đến gần sát gốc cây. Nhưng việc tiến sâu vào khu rừng và sau bao vất vả cuối cùng cũng có thể chiêm ngưỡng cây Jomon-sugi khổng lồ sẽ mang đến cho du khách nỗi xúc động không thể thốt nên lời. 

    gốc cây Wilson

    Lỗ hổng bên trong gốc cây Wilson có hình dạng trông như trái tim (Ảnh: polo/PIXTA)


    Kigen-sugi

    Cây Kigen-sugi tranh thứ hạng nhất nhì về tuổi tác ở đảo Yakushima (Ảnh: PIXTA)

    Trên hòn đảo Yakushima còn tồn tại nhiều cây đại thụ khác như “Gốc cây Wilson” - gốc cây khổng lồ còn lại sau khi bị chặt cách đây 300 năm, có số tuổi ước tính gần 3.000 năm; “Daio-sugi” với số tuổi ước tính cũng gần 3.000 năm, lớn thứ nhì sau Jomon-sugi; hay “Kigen-sugi” 3.000 tuổi với hơn 10 loài thực vật biểu sinh.

    động vật đảo Yakushima

    Hươu và khỉ trên đảo Yakushima thậm chí còn nhiều hơn cư dân sinh sống trên đảo. Đặc điểm của chúng là nhỏ nhắn hơn những loài hươu và khỉ phổ biến ở Nhật Bản. (Ảnh: PIXTA)

    Khi ngắm nhìn những cây tuyết tùng Yakushima, chẳng ai nghĩ về 10, 20 năm ngắn ngủi mà luôn phải chiêm nghiệm về khoảng thời gian dài của 1.000 hay 2.000 năm đã trôi qua trước mắt. Sự hiện hữu vĩ đại đó khiến chúng ta, loài sinh vật chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, phải đặt câu hỏi về những điều cốt lõi trong cuộc đời của mỗi con người.

    Mayu Senda / kilala.vn

    ASEAN-Japan Centre

    Bài viết được tài trợ bởi ASEAN-Japan Centre, một Tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1981 bởi Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN. Với chủ trương thúc đẩy thương mại, du lịch, giao lưu giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, tổ chức đã có nhiều hoạt động như Triển lãm sản phẩm các quốc gia Châu Á, Hội nghị kinh doanh, Hội thảo về nhiều vấn đề khác nhau, Workshop, Đào tạo nguồn nhân lực, Sự kiện văn hóa, xuất bản nhiều ấn phẩm hay hỗ trợ thông tin.

    http://www.asean.or.jp/en/

    30/12/2015

    Bài: Mayu Senda / Hợp tác: ASEAN-Japan Centre
    Biên dịch: Lăng Vi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!